BÓNG NGẢ ĐƯỜNG CHIỀU
Hoài Vệ Linh
Em đi bóng ngả chiều phai nắng
Lặng lẽ cô đơn dáng hao gầy
Trong Em như dấu niềm cay đắng
Đôi hàng châu lệ thấm mi cay!
Buổi chiều bệnh viện vắng lặng, không một bóng người.
Dọc theo dãy hành lang dài heo hút lạnh tanh, những bức tường trắng toát dài đến tận cuối đường thật cô đơn, thật lặng lẽ...
Chiếc đồng hồ treo tường báo hiệu đã 10 giờ khuya. Sau gần hai giờ trên những dặm đường theo mấy đoạn freeway lúc nào cũng đông đúc bận rộn, tôi sẽ về đến nhà lúc 12 giờ đêm. Đi rửa mặt thay áo, uống một ly sữa lạnh và lên giường thì đã gần 1 giờ sáng. Chỉ cần một giấc ngủ ngắn khiêm nhường thì đã phải thức dậy vào sáng sớm hôm sau, chỉ còn kịp thì giờ chuẩn bị vội vàng một lát sandwich mỏng lót lòng và ra đi lúc trời chưa sáng tỏ. Sương Mùa Đông mù mịt, trong không khí giá lạnh, dường như gió bấc bắt đầu thổi từng cơn mang theo cái giá buốt cuối năm về Cali rồi hay sao? Mà tôi cảm thấy lạnh cả không gian và lạnh cả tâm hồn.
Giờ đây nhìn lại trên tay tôi vẫn ôm theo bộ quần áo vừa được thay ra, còn nồng hơi ấm của chồng tôi trong bệnh viện, sẽ mang về nhà giặt sạch cất đi.
Đã bao đêm rồi...đã bao tháng ngày qua... khi mà trời tối đã từ lâu trong bệnh viện, tôi mới từ giã chồng để ra về.
“Em về Anh nhé! Anh nghỉ khỏe, mai Em lại vào với Anh”
Anh cầm tay tôi bịn rịn
“Thôi khuya quá rồi Em nên về! Cố gắng ngủ ngon đêm nay, đừng nghĩ ngợi gì. Anh sẽ khỏi bệnh! Anh sẽ về với Em! Anh sẽ săn sóc Em những ngày... như Anh đã hứa... Anh còn nhiều bổn phận với Em. Anh sẽ không sao đâu, không sao đâu Em! Em mới 75 tuổi đời, Em còn trẻ lắm! Em còn cần đến Anh, những năm tháng cuối đời Em còn cần đến Anh! Anh còn phải lo cho Em với tất cả tình thương yêu như từ khi Em còn ngây thơ, Em còn tuổi trẻ dại khờ...”
Tôi buông tay Anh ra, vội quay đi để dấu hai hàng lệ lăn dài trên má.
ΩΩΩ
Vào một buổi sáng mai đẹp trời như bao nhiêu buổi sáng Mùa Thu khác, (hôm ấy là Thứ Tư, October 10, 2012), sau những giờ đi tập thể dục sớm ở LA Fitness về, trên đường về nhà, chồng tôi chợt nói: “Em ạ! Xin cho Anh một cái hẹn để bác sỹ gia đình khám bệnh. Anh cảm thấy đau ở dưới nách bên phải từ mấy hôm nay, không biết có vấn đề gì không?”
Tôi gọi phone ngay đến văn phòng bác sỹ và xin một cái hẹn cùng ngày. Không may bác sỹ bận đi họp nên đóng cửa 3 ngày, ngày mở cửa sẽ là Thứ Bẩy, October 13, 2012. Ngày Thứ Bẩy ấy chúng tôi đến văn phòng rất sớm.
Sau khi khám bệnh kỹ lưỡng, bác sỹ thấy có một mụn nhọt như quả kim -quất ở dưới nách bên phải, có thể là một mụn nhọt thường, bị làm độc vì nhiễm trùng, nên bác sỹ cho một loại thuốc trụ sinh để thoa và những viên trụ sinh để uống, hẹn một tuần sau trở lại tái khám xem thử thế nào.
Và đồng thời cho một giấy đi thử máu vào sáng sớm ngày Thứ Hai, October 15, 2012, ở Unicare Lab, để lấy kết quả thử máu làm CTSCAN ở văn phòng Bác sỹ Phùng Gia Thanh.
Chiều Thứ Hai, October 15, 2012, mụn nhọt đã lớn mau bằng trái chanh,
và sốt suốt ngày, mồ hôi vã ra, chứng tỏ thuốc trụ sinh uống và thoa đã không hữu hiệu. Chồng tôi trở lại ngay văn phòng bác sỹ vào sáng Thứ Ba, October 16, 2012, bác sỹ cho thư ký văn phòng gọi cho phòng Lab yêu cầu gửi gấp kết quả thử máu về, và đồng thời cũng gửi kết quả ấy ngay cho văn phòng bác sỹ Phùng Gia Thanh để làm CTSCAN cho chồng tôi.
11 giờ sáng Thứ Ba, October 16, 2012, chồng tôi được làm CTSCAN khẩn cấp.
Ngày Thứ Tư, October 17, 2012, mụn nhọt đã lớn lên bằng cam, hành đau nhức, sốt suốt ngày, mồ hôi vã ra như tắm ướt hết quần áo, đồng thời cũng nổi lên nhiều hạch nhỏ ở những nơi khác nữa. Chồng tôi lại trở lại văn phòng bác sỹ gia đình, bác sỹ yêu cầu văn phòng bác sỹ Phùng Gia Thanh cho gấp kết quả thử CTSCAN. Chiều Thứ Tư hôm ấy mới có kết quả thử CTSCAN và cho biết chồng tôi bị một chứng bịnh mà chỉ nghe tên thôi là đủ sợ rồi = Bệnh Ung Thư!
Bác sỹ gửi chồng tôi vào một bệnh viện xin làm Biopsy và nằm lại ở đây mấy ngày để chờ kết quả. Chúng tôi có ý không muốn nhờ bệnh viện này chữa trị, và muốn xin bác sỹ gia đình cho xuất viện về nhà để chờ kết quả biopsy.
Sự xin ra khỏi bệnh viện không phải là một chuyện dễ dàng. Có một số bệnh viện khi đã nhận vào một bệnh nhân rồi thường muốn giữ lại bệnh nhân để làm việc, họ không muốn cho mình xuất viện để đi chữa bệnh ở nhà thương khác. Có một số bệnh viện không tìm ra được bệnh để chữa, hoặc là cách chữa trị của họ không có kết quả tốt cho bệnh nhân, bệnh không thuyên giảm, thì họ cũng không hề muốn buông mình ra để mình có thể tìm một nhà thương khác tốt hơn. Luôn luôn họ trả lời bệnh nhân là, bệnh đang chữa trị chưa có kết quả, chưa thể xuất viện, vấn đề ấy có thể kéo dài, đến khi biết là sai lầm thì đã quá muộn, thì đã xảy ra những điều vô cùng ân hận và hối tiếc. Không bao giờ có một bệnh viện nào trả lời cho bệnh nhân biết là họ không tìm ra bệnh, họ không biết phương pháp, không thể chữa được bệnh cho mình, lỗi lầm lớn nhất ở nhà thương là ở chỗ đó. Nếu người bệnh không sáng suốt để tự quyết định lấy mình, vì thời gian là vấn đề vô cùng cần thiết, quan hệ tới sinh mạng.
Sau nhiều lần yêu cầu khẩn thiết bác sỹ gia đình đã làm giấy cho chồng tôi xuất viện về nhà.
Hai ngày sau bệnh viện cho biết là chồng tôi bị bệnh cancer ung thư máu, “Lymphoma Cancer!”. Bác sỹ gia đình muốn chúng tôi trở lại chữa trị tại nhà thương, và đã giới thiệu cho tôi một ông bác sỹ bảo là chuyên môn chữa bệnh cancer cho bệnh viện này. Chúng tôi không trở lại nữa vì cậu con trai cũng là một bác sỹ bác sỹ của tôi đã tham khảo và nói chuyện thẳng với Ông bác sỹ ấy, và nhận thấy rằng kiến thức của Ông về Lymphoma Cancer rất hạn hẹp, cũng như phương pháp chữa bệnh của Ông không được tân tiến và mới mẻ như ngày nay, sợ không có kết quả tốt. Điều này cũng đã làm phật lòng Ông bác sỹ được giới thiệu. Các con tôi rất hiểu biết điều ấy nhưng sinh mạng của chồng tôi là điều tối quan trọng nên trong trường hợp này không thể giữ phép lịch sự được.
Tin tức chồng tôi bị bệnh cancer đã được gửi đi khắp nơi cho tất cả các con được biết, một nỗi lo buồn tràn ngập trong gia đình!
Ung thư là một chứng bịnh ngặt nghèo – đột khởi – hiện ra bất ngờ mà không hề báo trước – không có triệu chứng gì – không có một dấu hiệu nào để bác sỹ có thể đoán ra bịnh – ung thư như một thứ “tai ương” – như một niềm “bất hạnh” – như một làn mây xám đổ ập xuống đời người – như cơn “ác mộng” – thật quá bất ngờ, không thể đỡ gạt – vô phương trốn tránh – mà chỉ còn biết hứng chịu – đành chấp nhận số mạng đời người, để đi tìm một bác sỹ nổi tiếng chuyên môn giỏi về cancer, và tìm một nhà thương nào thật chuyên nghiệp, có phương pháp chữa bệnh tân tiến nhất – có đầy đủ dụng cụ cao cấp hữu dụng để chữa trị. Và một việc vô cùng quan trọng cấp bách là phải nhập viện chuyên môn ngay tức thì, mới mong bảo toàn được mạng sống.
Tôi có một người con trai làm bác sỹ nội khoa Internal Doctor đang làm việc tại một nhà thương ở San Francisco. Được tin Bố bị bệnh ung thư đã bay về nhà ngay cấp kỳ để lo cho Bố. Trước khi về con tôi đã hỏi ý kiến tất cả các bạn bè đồng nghiệp và tham khảo với các ông giảng sư của Đại Học Y Khoa là thầy dạy cũ của con tôi để xin những lời khuyên thích đáng, và thầy đã cho những kinh nghiệm quý báu để quyết định hết mọi sự cho Ông Bố cháu vừa bị bệnh hiểm nghèo.
Về đến nhà, tối hôm ấy Thứ Bẩy, October 27, 2012, anh bác sỹ con tôi đã họp toàn thể gia đình lại, giảng giải về chứng bịnh ung thư của Bố và phương pháp chữa bệnh sao cho có kết quả tốt đẹp. Cũng nhờ ơn Bề Trên thương đã cho chúng tôi những người con thông minh, sáng suốt, đủ trí thức để thông hiểu thấu đáo vấn đề, và đã quyết định việc chữa bệnh cho Bố một cách đúng mức – hợp lý, và kịp thời, là những điều kiện tiên quyết để có thể thành công. Cô con gái thứ ba của tôi đã có một ý kiến tối hậu:
“Sanh mạng của Bố là quý nhất, việc chữa trị khẩn cấp là quan trọng hơn cả. Mục tiêu của toàn thể gia đình là: làm mọi cách, bằng mọi giá, dù khó khăn vất vả đến đâu cũng phải cố gắng tìm cho được những bác sỹ chuyên môn giỏi nhất và một nhà thương danh tiếng, nhiều kinh nghiệm, có phương pháp chữa bịnh tân tiến, để săn sóc cho Bố, dù xa xôi thế mấy cũng phải làm cho bằng được việc đưa Bố vào chữa trị. Không phải là công việc này khó hay dễ, nhà thương xa hay gần, tất cả đều không thành vấn đề, mà chỉ thành vấn đề là tìm ra cho đúng bác sỹ và đúng nhà thương mà thôi. Tất cả các anh chị em sẽ cùng với Mẹ để tận lực hết lòng lo cho Bố vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo.” Toàn thể gia đình đồng ý hoàn toàn.
Cậu con rể lớn nhất của chúng tôi tỏ bày ý kiến: “Dù cho xa xôi thế mấy, hoặc là khó khăn đến đâu, chúng con cũng hết lòng lo cho Bố, xin Bố cứ yên tâm, đừng lo lắng gì.”
Trong khi ấy thì cô con gái lớn nhất của tôi đã bỏ ra bao nhiêu thì giờ lên Internet để tìm hiểu về bệnh “Lymphoma Cancer” – sự diễn tiễn của bệnh và cách chữa trị ... để có được sự thấu hiểu rộng rãi hơn về chứng bệnh này.
Cũng nhờ thế mà con gái tôi đã tìm ra được bác sỹ danh tiếng chuyên môn chữa bệnh ung thư là bác sỹ Nelson, là Giám Đốc về ngành ung thư tại bệnh viện UCI Hospital (University of California, Irvine). Nhưng để xin được một cái hẹn với Ông không phải là chuyện dễ. Gọi điện thoại suốt mấy ngày đến văn phòng cũng không thể gặp được người thư ký riêng của Ông để trình bày vấn đề và xin Ông một cái hẹn khám bệnh, bởi vì văn phòng quá bận việc và quá đông khách nên người thư ký không thể tiếp điện thoại của một ai. Chỉ có thể để rất nhiều lời nhắn trong máy answer machine và đợi chờ trả lời mà thôi.
Mãi 2 hôm sau người thư ký mới gọi tới cho con tôi cho một cái hẹn khám bệnh là 2 tháng sau kể từ ngày hôm nay. Bởi vì các bác sỹ chuyên môn chữa bệnh Lymphoma cancer không có nhiều lắm, và bác sỹ danh tiếng về địa hạt này lại càng hiếm hoi, bệnh nhân nào cũng muốn đến và được chính tay bác sỹ chữa trị, nên không thể có một cái hẹn nào sớm hơn được.
Sau đó phải nhờ tới cậu con bác sỹ của tôi đích thân điện thoại tới Ông Nelson để xin một cái hẹn, thì cái hẹn được thâu ngắn lại là còn 1 tháng sau. Nhưng dù chỉ 1 tháng thôi, chúng tôi cũng không có can đảm đợi chờ, bởi vì bệnh của chồng tôi phát triển quá mau và vô cùng nguy hiểm tới tính mạng.
Nên cô con gái tôi phải tìm đường dây khác để liên hệ tới một Bà bác sỹ danh tiếng về khoa cancer của bệnh viện UCLA (University of California, Los Angeles): đó là nữ bác sỹ Laurence Pinter Brown, chính Bà là Giám Đốc Chương Trình Ung Thư Máu Lymphoma tại bệnh viện UCLA ở Santa Monica. Thật may mắn làm sao!!! Cô con gái tôi đã gặp thẳng và được nói chuyện để trình bày vấn đề với bà Grace là phụ tá của bác sỹ Pinter Brown và được cho một cái hẹn vào 2 giờ chiều Thứ Tư tuần sau, October 31, 2012, (hôm nay là Thứ Sáu, October 26, 2012). Sự may mắn ấy đã làm cho toàn thể gia đình tôi rất vui mừng và nuôi nhiều hy vọng là chồng tôi sẽ được chữa trị sớm kịp thời.
Mấy tiếng đồng hồ sau, thì văn phòng của bác sỹ Nelson của bệnh viện UCI lại gọi tới và cho biết: “Vì có một bệnh nhân đã lấy hẹn từ trước rồi cũng vào ngày Thứ Tư sắp tới, October 31, 2012, vào lúc 10 giờ sáng, nhưng bệnh nhân ấy hủy bỏ cái hẹn nên chồng tôi được thay thế vào ngày giờ ấy. Như vậy là ngày Thứ Tư tới đây chúng tôi được 2 cái hẹn: 10 giờ sáng và 2 giờ chiều. Chúng tôi quyết định giữ cả 2 cái hẹn để được nghe ý kiến và sự khám bệnh của cả 2 bác sỹ này.
Sự việc mà các con tôi muốn đưa Bố trực tiếp đi thẳng tới các Bác Sỹ Giám Đốc bệnh viện (mà không đi qua cửa Emergency Department), là một quyết định thật hợp lý và sáng suốt vô cùng. Nhờ thế mà chồng tôi đã được chữa trị rất sớm – kịp thời – chu đáo – đúng mức và nhất là lựa đúng nhà thương tốt – đúng bác sỹ giỏi – thuốc chemo tân tiến hữu hiệu, nên mới được hoàn toàn bình phục như ngày nay.
Thông thường, khi trong gia đình có người bị bịnh bất ngờ, thì người ta thường đưa bệnh nhân qua ngưỡng cửa emergency của bất cứ một bệnh viện nào, sẽ dễ dàng được nhận vào và chữa trị (nếu có đủ giấy tờ hợp lệ).
Nhưng cách thức này không thể thành công hữu hiệu đối với bệnh cancer . Bởi vì khi người bệnh được vào emergency rồi, thì các “bác sỹ thực tập” ra khám bệnh trước, rồi sau đó mới tới các bác sỹ chính thức của bệnh viện vào khám, định bệnh, và quyết định cách chữa trị.
Bác sỹ thực tập là những người thày thuốc đã tốt nghiệp các trường Medical School rồi, đã có licence, nhưng phải xin vào các nhà thương để thực tập, học kinh nghiệm chữa bệnh, từ 3 năm trở lên, và sau đó mới được phép ra ngoài xã hội để mở phòng mạch khám bệnh.
Cái vấn đề rất quan trọng là khi bệnh nhân được bác sỹ của bệnh viện khám bệnh rồi, có biết đây là bệnh cancer không, và có nghi ngờ là bệnh cancer không, thì mới cho mời bác sỹ chuyên khoa về cancer tới khám, định bệnh, và tìm cách chữa trị như đi thử máu, chụp xray, làm CTscan, và cuối cùng là làm biopsy để biết thời kỳ của bệnh trạng.
Khi có được tất cả những kết quả thử nghiệm ấy và được xác định là bệnh cancer rồi, thì đã mất một thời gian từ 2 tới 3 tuần lễ. Và sau đó đem những kết quả này đi xin phép hãng bảo hiểm (nếu bạn có insurance), và xin phép sở Medical, Medicare (nếu bạn được hưởng chương trình này) thì phải đợi thêm từ 10 ngày tới 2 tuần lễ nữa, và tới khi bạn cầm được giấy phép để nhập viện chữa bệnh trong các bệnh viện chính thức chuyên môn, thì bạn đã mất từ 4 tới 6 tuần lễ đợi chờ.
Đã có biết bao nhiêu bệnh nhân đã bị cancer bao tử (như người cháu rể của tôi), mà bác sỹ cứ cho là đau bao tử thông thường, cho thuốc uống, nằm lại bệnh viện một vài ngày rồi cho về. Một vài tuần lễ sau, đau quá lại đi bác sỹ, lại vào bệnh viện, lại cho thuốc uống và về nhà nghỉ ngơi...
Sự việc cứ lập đi lập lại như thế cho đến 5 – 7 tháng sau, bệnh trở nên nặng quá, phải đổi đi nhà thương khác, mới khám phá ra là bệnh cancer bao tử, nhưng đã đến thời kỳ thứ ba thứ tư rồi. Bệnh nhân được nhập viện, và đem đi mổ ngay, khi ấy mới biết là bệnh ung thư đã lan ra khắp nơi, không còn chữa được nữa, bác sỹ may lại và chữa thuốc cầm chừng và đợi ngày ra đi....sang thế giới khác!
Tôi đã biết có những người bị cancer gan mà cả một thời gian dài chỉ cho uống thuốc đau gan, mà không hề nghi ngờ là bệnh cancer....Cho nên, vấn đề chính yếu là bác sỹ có khám ra được bệnh hay không? Có biết là cancer không?
Cancer có nhiều loại phát bịnh rất mau, rất tác hại tới toàn cơ thể bệnh nhân. Nếu bác sỹ không biết ngay từ lúc đầu mà chữa trị thật sớm, thì thật khó có hy vọng qua khỏi, bởi vì đã bị cancer thì phải: “cứu bệnh như cứu lửa”.
Có một số các bệnh viện nhỏ ở địa phương, có thói quen là: không bao giờ nhận là đã không khám và biết ra được bệnh, đã không xác định được bệnh, và khi biết ra được bệnh rồi cũng không chịu nhận là mình không đủ khà năng để chữa trị cho bệnh nhân, và cứ muốn giữ lại bệnh nhân trong bệnh viện của mình một thời gian rất lâu, mà không buông bệnh nhân ra, không cho phép bệnh nhân xuất viện, để đi tìm một nhà thương khác tốt hơn để chữa trị, mà câu trả lời là bịnh chưa chữa xong, chưa xuất viện được.
Trong những trường hợp như thế này, nếu bạn có nhu cầu muốn được gặp Ông Director Bác Sỹ Giám Đốc bệnh viện và nhờ thẳng bác sỹ chữa bệnh và săn sóc cho bạn thì quả là một điều khó khăn và có thể không bao giờ xảy ra.
Cho nên, công việc xin được 2 cái hẹn để 2 bác sỹ là Director của Department chuyên khoa về cancer trong 2 bệnh viện lớn UCI và UCLA là một điều hết sức may mắn cho chồng tôi.
Những nhà thương lớn, nổi tiếng về chuyên khoa chữa trị cancer ở đây không có nhiều lắm, và những bác sỹ giỏi, danh tiếng về loại bệnh này lại càng hiếm hoi hơn. Cho nên kiếm ra được một nơi đạt tới tiêu chuẩn này không phải là dễ dàng.
Trong vấn đề chuyên môn của sự chữa bệnh ung thư, có rất nhiều loại ung thư khác nhau, và cũng có rất nhiều bác sỹ tốt nghiệp để chữa trị những bệnh ung thư khác nhau (thí dụ như: ung thư phổi – gan – bao tử - đại tràng – nhiếp hộ tuyến - ung thư máu hoặc Lymphoma Cancer như bệnh của chồng tôi)....Tất cả các bác sỹ về chuyên khoa ung thư đều có thể chữa bệnh ung thư được nhưng không chuyên nghiệp. Nếu bạn tìm ra được một bác sỹ chuyên môn chữa bệnh về chính bệnh ung thư của bạn, mà lại có nhiều năm kinh nghiệm nữa để chăm lo cho mình, thì đó là một niềm phước hạnh vô cùng, mà bạn có được. Vấn đề được chữa khỏi bệnh của bạn đã tăng hy vọng lên tới 60% cho tới 80% kết quả tốt đẹp.
10 giờ sáng chúng tôi đế văn phòng bác sỹ Nelson. Ông Nelson là một bác sỹ giỏi, tận tình và nhiều nhiệt huyết. Bệnh viện UCI lại ở gần nhà, rất thuận tiện cho việc chữa trị lâu dài. Nhưng do bệnh viện cho biết phải làm thủ tục giấy tờ xin phép được chấp thuận của Medicare mất khoảng từ 4 tới 6 tuần lễ thì mới được chữa trị. Sự chờ đợi quá lâu mới được bắt đầu chữa trị là một điều mà gia đình tôi lo lắng không ít.
Cái hẹn lúc 2 giờ chiều cùng ngày với bác sỹ Laurence mãi tận Santa Monica (cách xa nhà độ 60 miles đường, phải mất gần 2 giờ đồng hồ lái xe trên những freeway mà lúc nào cũng vô cùng bận rộn), đã khiến chúng tôi phải ra đi ngay rất sớm cho không trễ giờ hẹn.
Văn phòng của bà bác sỹ Laurence rất khang trang và đủ tiện nghi, ngăn nắp và làm việc đúng hẹn. Bà Grace (là phụ tá của bác sỹ Laurence), đã niềm nở lịch sự tiếp đón chúng tôi trước. Sau hơn một giờ đồng hồ khám bệnh kỹ lưỡng cho chồng tôi, và giải thích cho gia đình hiểu hết vấn đề của căn bệnh, thì bác sỹ Laurence bước vào phòng. Với tuổi trung niên, vui vẻ, nữ bác sỹ đã làm cho chúng tôi tin tưởng và yên lòng.
Sau khi tham khảo với bà Grace và khám bệnh kỹ lưỡng cho chồng tôi, bác sỹ Laurence quyết định cho chồng tôi nhập viện ngay lập tức vì trường hợp này khẩn cấp! Rồi thủ tục xin phép sẽ làm sau. Chỉ độ 20 phút sau là nhà thương đã dành cho một phòng riêng biệt, rất rộng rãi, thoải mái và tiện nghi.
Gia đình chỉ định đưa Anh đi gặp bác sỹ khám bệnh xong rồi về, không hề đem theo một vật dụng cá nhân nào. Bây giờ bất ưng được nhập viện ngay, ngoài sự mong ước, và bác sỹ nói nhà thương cung cấp đủ mọi tiện nghi, không cần phải về nhà lấy thứ gì khác. Bà bác sỹ còntươi cười nói một câu: “Tôi có 80% hy vọng chữa khỏi bệnh cho ông, vì tôi đã chữa cho nhiều bệnh nhân ung thư trên 80 tuổi như ông, đã khỏi bệnh đến nay được 10 năm, khỏe mạnh và ổn định, sức khỏe rất tốt.”
Câu nói của bà đã cho gia đình tôi biết bao niềm vui và hy vọng! Các con tôi chỉ muốn lựa đúng nhà thương tốt, bác sỹ giỏi, thì dù cho có đường xa xôi cách trở, và vất vả khó nhọc đến đâu đi nữa, thì các con tôi cũng cố gắng làm cho kỳ được. Thế là Ban Tham Mưu gia đình chia phiên gác ngay từ đêm hôm nay. Vì biết rằng chữa bệnh cancer bằng chemo là một điều vô cùng quan trọng – rất nguy hiểm – gây nhiều biến chứng phức tạp – sẽ làm mệt người – làm yếu sức – sức kháng thể hao mòn – bạch huyết cầu xuống thấp – cơ thể dễ nhiễm trùng - nên không thể đi ra ngoài – kiêng tiếp xúc chỗ đông người – không được tiếp khách – (sợ người lạ đem vi trùng ở ngoài vào cho bệnh nhân).
Việc chạy chemo sẽ kéo dài – có thể 6 tháng – cứ mỗi tuần ở nhà thương chạy chemo 24/24 giờ liên tục với 8 bình thuốc chemo, thì 2 tuần được về nhà nghỉ ngơi tẩm bổ dưỡng sức trong 2 tuần lễ để có sức khỏe vào lại nhà thương lại chạy chemo cho tuần lễ kế tiếp. Mỗi lần trước khi vào nhà thương đều khám sức khỏe – thử máu xem có tốt không. Trước khi vào – nếu máu đủ tốt – thì tiếp tục chemo theo đúng lịch trình. Nếu sức khỏe không được tốt – thì việc chemo không thể tiếp tục, phải dời hoãn lại và thời gian sẽ kéo dài ra mà sẽ không đúng như chương trình dự liệu.
Mỗi tuần lễ trong nhà thương - thường thì kéo dài ít nhất 6 ngày dài – có thể sáng sớm Thứ Hai vào và tới Thứ Bẩy chiều thì xong hết có thể ra về.
Đầu tiên là vô nước biển IV trước khi chạy chemo. Nước biển được vô cùng một lúc và song song với những bình chemo liến tiếp cho tới bình chemo cuối cùng. Chương trình được tuần tự như sau: Trước hết là bình thuốc mở đầu – chạy 24 tới 26 giờ liên tục sẽ hết – sau đó là bình chemo thứ nhất, sẽ chạy trong 24 giờ, độ 1 tiếng đồng hồ trước khi sắp hết bình chemo này người y tá sẽ theo lệnh bác sỹ đặt làm bình chemo thứ nhì, và chỉ lúc này chuyên viên của phòng Lab bệnh viện mới bào chế bình chemo thứ nhì gối đầu, để tiếp tục cho 24 giờ sắp tới. Và cứ thế thuốc chemo chỉ được sản xuất trước khi được cần dùng đến, và đem lên tới phòng của bệnh nhân để gối đầu tiếp tục cho bình chemo vừa mới hết xong. Trước khi vào bình chemo mới, cô y tá trực phòng phải gọi người y tá trưởng tới tận nơi để kiểm soát tên tuổi bệnh nhân và tên loại chemo sắp truyền vào người xem có đúng như trên giấy tờ của bác sỹ không, rồi mới ra lệnh cho phép truyền vào. Công việc cứ như thế cho tới 6 ngày đêm thì hết 6 bình chemo, và bình thứ 7 là bình thuốc cuối cùng. Trong khi 2 bình: chemo và IV nước biển được truyền vào người song song suốt ngày đêm, thì có nhiều nhóm y tá chuyên môn theo dõi và canh chừng 24/24 giờ, để xem thuốc có vào đều không, nếu tắc nghẽn thì điều chỉnh ngay, và theo dõi xem người bệnh có bị phản ứng gì hoặc biến chứng gì không. Tôi thấy có nhiều nhóm y tá khác nhau làm công việc theo dõi bệnh nhân hàng ngày: ngoài cô y tá canh chừng thuốc chemo. cô y tá khác có bổn phận cứ 1 giờ đồng hồ thì vào lấy nhiệt độ trong người và đo áp suất máu, rồi ghi rõ kết quả vào computer, người y tá khác thì vào thăm bình nước tiểu luôn luôn để trong nhà tắm, cô y tá khác thì canh giờ cho uống thuốc và chích thuốc. Mỗi buổi sáng có nhân viên nhà thương vào phòng thay đổi một bộ khăn trải giường, áo gối và chăn mền mới, đem vào quần áo sạch, các loại khăn lông dùng hàng ngày. Có những cô khác thì chuyên môn tiếp tế nước uống, những bình đá lạnh và suốt ngày bất cứ lúc nào cũng có thể yêu cầu cô đem tới những hộp yoghurt, jellow, pudding trái cây hộp, cookies, muffin, hay những thức ăn snack được cung cấp vào giữa những bữa ăn chính như là cheese và bánh lạt, sữa ensure để bồi bổ thêm cho bệnh nhân đủ chất bổ dưỡng để có một sức khỏe có thể chịu đựng được những bình chemo rất độc hại nhưng cũng rất cần thiết cho những người mang bệnh cancer.
Chemo là loại thuốc được ví như một thứ vũ khí để tiêu trừ và diệt bỏ tất cả cancer trong người. Nhưng chemo không phải là một loại vũ khí đủ thông minh để có thể lựa chọn chỉ giết những tế bào ung thư mà thôi, mà không làm hại tói những tế bào tốt lành của cơ thể, vì thế chemo là con dao 2 lưỡi, người bệnh dùng nó để loại trừ chứng ung thư, nhưng cũng vì nó mà phải hy sinh rất nhiều hồng huyết cầu, những bạch huyết cầu để bảo vệ cho cơ thể khỏi bị nhiễm trùng và những kháng thể cần thiết. Bởi vì thế mà sức khỏe bị hao mòn trầm trọng. Và người bệnh nếu không có một sức khỏe tốt, và không bồi bổ kịp thời thì sẽ ngã quỵ sau những lần chạy chemo đầu tiên.
Tôi ước mong sao những khoa học gia có thể tìm ra được những loại thuốc thông minh hơn chemo để những khi cần dùng đến thì thuốc chỉ tiêu diệt kẻ thù là những mầm mống ung thư, mà không giết hại đến người nhà mình là những phần tử tốt đẹp và tối cần thiết cho con người như hồng huyết cầu, bạch huyết cầu v..v..
Trong suốt thời gian chồng tôi được chữa trị bằng chemo trong nhà thương thì tôi cảm thấy càng những bình chemo về sau này thì có vẻ thuốc đã tác hại nhiều hơn, anh bị yếu sức thêm, người mau mệt, tay chân bị tê nhiều, gân và bắp thịt hành đau nhức hơn trước. Giấc ngủ kém đi, ngủ chập chờn nên người không khỏe, có khi đi không vững, phải dùng gậy. Ngay những ngày sau khi chemo xong, về đến nhà là người cảm thấy lâng lâng như say rượu, nhiều khi chóng mặt...Càng những lần chemo về sau này, lại càng có vẻ bị ảnh hưởng thuốc nhiều hơn trước, không được tốt đẹp như mấy lần đầu tiên.
Mỗi ngày chồng tôi bị bắt buộc phải đi bộ 2 buổi, mỗi buổi đi vòng quanh hành lang khu nhà thương từ 30 phút tới 45 phút, phải đẩy theo cái giá có treo những bình chemo và nước biển. Dù mệt vẫn phải cố gắng đi để cơ thể được hoạt động mà không bị trì trệ, tôi thấy những bệnh nhân khác cũng làm giống như Anh. Chồng tôi là một người có ý chí, hết sức cố gắng để tự chữa bệnh cho mình phụ giúp những thuốc men mà nhà thương cung cấp. Nhiệt tình cộng tác của Anh với bệnh viện trong tiến trình chữa trị đã dược các bác sỹ khen Anh là Star Patient của bệnh viện.
Tất cả những bữa ăn trong nhà thương đều được Anh cảm thấy ngon miệng, đã dùng hết và đôi khi còn có những bữa ăn dặm vào giữa những bữa ăn chính, và giữa những lúc đêm khuya. Đó là những điều mà Anh hét sức tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn của bác sỹ, và nhân viên y tá, cho nên sự phản ứng của thuốc chemo tuy có bị ảnh hưởng, nhưng cũng chỉ là một phần chứ không bị nhiều lắm như các bệnh nhân khác.
Chỉ thời gian sau khi đã hoàn tất 6 kỳ chemo ở nhà thương, và được về nhà nghỉ ngơi, thì mới thấy rõ sự chemo đã tác hại đến cỡ nào:
- tóc rụng hết 90%
- người mập ra, tự nhiên lên cân hẳn 10 lbs (mặc dù đã ăn uống đều đặn trở
lại khi ở nhà.)
- uống thuốc lợi tiểu thường xuyên mà cơ thể vẫn bị nong nước (trên mặt
và bắp tay bắp chân là thấy rõ nhất)
- 10 móng tay và 10 móng chân bị thoái hóa, thời gian lâu sau móng mới
từ từ mọc ra và đẩy móng cũ rơi đi.
- các ngón tay và ngón chân đều bị tê cứng không hoạt động bình thường
được. Tay không thể cài khuy áo.
- nước da xuống sắc, xanh xao như thiếu hồng huyết cầu (mặc dù chồng tôi
đã được truyền 2 túi máu trong những ngày ở nhà thương.
- bạch huyết cầu vẫn thấp, thiếu chất kháng thể, nên Anh vẫn phải sống cô
lập trong gia đình, mà không được phép tiếp xúc với người ngoài, dù cho cả những anh em bà con và bạn bè quyến thuộc cũng không được phép tới thăm, vì lệnh bác sỹ không cho tiếp khách.
- mỗi bước đi phải chống gậy suốt mấy tháng đầu tiên về nhà.
- hệ thống thần kinh ở xương sống suốt dọc sống lưng và chân bên phải
thường bị đau nhức suốt đêm, nhất là những khi nằm lâu, vì thế mà trở nên thiếu ngủ suốt mấy tháng, phải uống thuốc giảm đau mỗi buổi tối.
Tuy nghỉ ngơi ỏ nhà nhưng vẫn phải đi bác sỹ tái khám bệnh và theo dõi, lúc đầu thì 3 tuần một lần, sau đó mỗi tháng một lần, và bây giờ 3 tháng một lần. Bác sỹ phải theo dõi thường xuyên như thế cho tới 5 năm mới có thể coi là hết bệnh, và tin tưởng rằng bệnh không tái phát trở lại.
Trong thời gian còn ở nhà thương có 2 nhóm y tá thay phiên nhau túc trực suốt 24 giờ, một nhóm từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối, và một nhóm khác từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Những nhân viên y tá này vô cùng chuyên nghiệp, và lễ phép lịch sự, và hiểu biết rất rộng nhất là về chứng bịnh ung thư. Có rất nhiều thắc mắc mà bệnh nhân đặt câu hỏi, đều được các chuyên viên y tá giải đáp thỏa đáng, cách chữa trị và theo dõi bệnh tình để cho gia đình có thể săn sóc bệnh nhân những ngày ở nhà. Những vấn đề nào khó khăn hơn thì mới cần phải hỏi tới bác sỹ.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết là các cô y tá này sau 4 năm Đại Học, còn phải mất 2 năm học thêm về chuyên khoa ung thư, rồi mới được phép nộp đơn thi vào đây. Có nhiều cô thi rớt ngay từ những lần phỏng vấn đầu tiên, và có cô phải thi đến lần thứ tư mới đậu. Có những bà y tá làm việc ở đây đã hơn 30 năm, và năm nay đã gần 60 tuổi, kinh nghiệm rất nhiều, và chỉ có thua bác sỹ mà thôi. Tôi để ý thấy trong gần 30 cô y tá không có một cô nào người Việt Nam.
Mỗi buổi sáng sớm đều có bác sỹ thường trực, cùng với mấy bác sỹ nội trú vào từng phòng thăm hỏi bệnh nhân, xem lại sổ chữa bệnh, và ân cần hỏi xem người bệnh có nhu cầu gì không và có thắc mắc gì không.
Vấn đề ẩm thực của UCLA thật là tuyệt vời. Nhà bếp rất khéo, nấu ăn ngon, và cung cấp một thực đơn dồi dào, rất nhiều món thay đổi hàng ngày. Mỗi bữa ăn khoảng 6 – 7 món được bệnh nhân yêu cầu và lựa chọn hàng ngày tùy theo cuốn thực đơn đã có sẵn ở trong phòng bệnh. Và nếu muốn thay đổi thêm, thì cũng có thể gọi điện thoại xuống cafeteria để order thêm nhiều món khác tại đây.
Mỗi buổi tối có người y tá nam làm phận sự tắm rửa vệ sinh sạch sẽ cho chồng tôi có một giấc ngủ thoải mái lúc đêm về.
Bất cứ một thứ thuốc nào quý hiếm và đắt tiền đều được cung cấp tại đây với nhãn hiệu chính gốc mà không phải là generics.
Tôi được nghe nói, với tất cả sự săn sóc cao cấp và chu đáo này, thì mỗi ngày giá biểu của mỗi phòng nằm trong nhà thương là khoảng 10,000 Mỹ Kim, và mỗi bình chemo có giá là từ 5000 tới 8000 Mỹ Kim tùy theo loại. Chưa kể biết bao nhiêu những cái Test, những lần thử nghiệm, phải đưa bệnh nhân qua buiding khác làm, hoặc phải qua một department khác mới có chuyên viên làm công việc này. Tất cả những vấn đề ấy đều tính tiền riêng từng phần mà không bao gồm trong tiền phòng và tiền thuốc hàng ngày.
Bởi vì những sự đặc biệt như thế mà có lẽ một số nhà thương ở gần nhà tôi không có thể đáp ứng nổi cái phẩm chất cao cấp để chữa bệnh ung thư như tại UCLA.
***
Một điều may mắn hơn nữa cho chồng tôi, là khi Anh nhập viện UCLA vào ngày October 31, 2012, lại rơi đúng vào thời kỳ mà bà Director của Department Cancer phải tới phiên túc trực suốt một tháng trong nhà thương nên bác sỹ Laurence Pinter Brown đã đích thân săn sóc cho chồng tôi từ ngày November 2 cho tới hết tháng. Những tháng khác thì tới phiên những bác sỹ khác túc trực mà không phải là bà Brown.
Sự kiện này đã góp thêm vào việc chữa bịnh cho chồng tôi đạt được thành quả tốt đẹp như ngày nay.
Sau một tuần lễ đầu tiên nằm lại nhà thương và chạy chemo 24/24 giờ, thì kết quả là bệnh cancer đã thuyên giảm được 50%.
Qua tuần lễ thứ nhì, thì kỳ thử Test CTSCAN này đã cho một kết quả hoàn toàn mỹ mãn: Bênh Lymphoma Cancer đã biến mất 100%, không để lại một dấu vết gì.
Bác sỹ thì rất hãnh diện, và gia đình chúng tôi thì vô cùng mừng vui vì biết là đã đi đúng đường, kiếm đúng thầy đúng thuốc. Tuy nhiên việc chữa trị vẫn phải kéo dài đủ 6 tháng theo như dự liệu, để chắc chắn rằng bệnh đã tuyệt nọc, và tất cả thuốc men đã dùng đủ để đề phòng cho sự tái phát bệnh trong tương lai.
Được tốt đẹp như thế,vấn đề quan trọng chính là nhờ công khó của tất cả các con tôi, 15 người, bao gồm trai gái dâu rể, rất thương yêu Bố, đồng lòng góp sức, góp công góp của để chung lưng nhau chăm sóc Bố suốt 6 tháng trời. Không quản ngại đường xá xa xôi, ai cũng bận công ăn việc làm trong sở, không thể xin phép nghỉ được. Có những người là Director của Company, có những người là Senior Menager, có những người có những buổi họp quan trọng thường xuyên với các chi nhánh ở Ấu Châu mà ban ngày trong giờ làm việc ở bên đó là ban đêm ở bên Mỹ. Những buổi họp xẩy ra ở Âu Châu không thể vắng mặt người Director ở bên Mỹ, nên con tôi phải mang cả việc sở của Company vào tới nhà thương, ngồi bên giường bệnh túc trực canh chừng Bố mà vẫn dùng Laptop và Cellular phone để họp suốt đêm với Âu Châu và không hề bỏ lỡ hay bê trễ một sự kiện nào xảy ra trong sở của mình.
Vấn đề gia đình phải chia phiên để tất cả anh chị em làm việc công bằng: người này túc trực trong nhà thương với Bố từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối, thì người khác phải vào nhà thương từ 7 giờ tối tới 7 giờ sáng để kề cận bên Bố. Và sáng sớm về nhà thay áo vẫn vào sở đi làm như thường. Không một người nào tỏ dấu phiền hà hoặc không vừa ý bất cứ điều gì. Tất cả đều vui vẻ. Kể cả người con bác sỹ đang lảm việc và sinh sống ở San Francisco - mà khi tới phiên mình, vẫn phải đáp máy bay khẩn cấp về nhà lo cho Bố mấy ngày trong nhà thương – xong thì lại trở về San Francisco làm việc.
Những ngày Bố nằm trong bệnh viện, dù cho bác sỹ nhiều – y tá đông – người service đầy đủ chu đáo...nhưng tất cả các con không hề vắng mặt bên Bố bất cứ một giây phút nào. Các con trai gái dâu rể đã 24/24 giờ suốt ngày đêm ở cạnh bên giường Bố - trông nom an ủi Bố - hỗ trợ tinh thần...con muốn cho Bố lúc nào cũng đầy ắp tình thương và cảm thấy ấm cúng yên lòng như khi còn ở nhà.
Người Bạn Đời của Bố lúc nào cũng sẵn sàng chia xẻ những lo lắng ưu tư – những nguy hiểm đợi chờ - những đau đớn thể xác – hoặc mệt mỏi tinh thần từng phút từng giây bên cạnh Anh đã bao tháng ngày kề cận bên giường. Tuy Em và các Con chưa từng hiểu biết thuốc thang như một y tá – như một bác sỹ, nhưng sự có mặt của Em và Con bên cạnh Bố, để có thể quan sát và theo dõi từng ly từng tí suốt chương trình chữa bệnh cho Anh, cho Em được yên lòng
Những ngày chồng tôi đau yếu, thì chúng tôi vào ở với các con tại thành phố Irvine, để cho các con tiện săn sóc Bố.
Tôi có 3 gia đình các con đã sống ở Irvine đã từ lâu. Tuy không ở cùng chung một khu phố, nhưng từ nhà người này tới nhà người kia cũng cách nhau chỉ mấy miles đường. Mà nhà ai cũng có dư nhiều phòng ngủ tiện nghi và rộng rãi, thành phố này an ninh, lịch sự, nên chúng tôi ở đây cũng tạm yên.
Còn nhà riêng của tôi thì khóa trái cửa lại, thỉnh thoảng mới về thăm qua nhà một lần để lấy thơ và tưới cây cảnh. Thời gian đầu thì 3 – 4 tuần lễ mới về nhà một lần nên hoa lá héo tàn. Mấy chục cây hoa quỳnh đủ màu bị khô héo và thui chột mất một phần. Thấy vườn hoa tang thương thì tiếc lắm, nhưng cũng đành chịu, để lo những việc quan trọng hơn.
Ở với con thì không thiếu thốn gì, nhưng vẫn nhớ nhà...nhớ lắm...Chồng tôi chắc cũng thế, Anh cũng có tâm trạng giống như tôi, nên sau 3 – 4 tháng ở nhà con, Anh nói là Anh rất nhớ nhà...Anh đề nghị với con là nếu thuận tiện thì để cho Bố về thăm qua nhà, ngủ lại đây một đêm, để hưởng lại bầu không khí thân thương...Bố muốn ngủ lại trên chiếc giường quen thuộc, chắc có lẽ sẽ êm đềm ấm cúng lắm!
Nhưng vì những ngày không phải nằm nhà thương, mà được về nhà con, thì hàng ngày phải có y tá tới nhà chích thuốc, thay băng, đo huyết áp...nên Anh cũng không thể nào vắng mặt, đi ở chỗ khác lâu tới 2 – 3 ngày được.
Có một ngày đẹp trời, trên đường từ nhà thương về, cậu con rể tôi ngỏ ý đưa Bố lại thăm nhà Bố...Khi mở cửa bước vào nhà, với tất cả nét hân hoan vui vẻ...Anh bảo con: “Bố muốn ở lại đây đêm nay!” Cậu con rể hiểu ý: “Vậy Bố nghỉ ở nhà một đêm, ngày mai con sẽ đón Bố trở lại nhà con, trước giờ hẹn y tá tới làm thuốc.”
Thế là chồng tôi được một cái phép 24 giờ về thăm nhà. Chắc có lẽ những anh lính trận mà cầm tờ giấy phép 24 giờ, thì cũng chỉ vui đến thế mà thôi.
Những ngày ở nhà con, thì chồng tôi có một khu vực riêng trên lầu: phòng ngủ riêng – nhà tắm riêng – giặt áo riêng...ăn uống cũng dọn riêng, và chén bát ly tách riêng...không tiếp xúc chung với mọi người trong gia đình...bởi vì khi tạm ngưng chạy chemo, nhưng chất thuốc trong người vẫn còn nhiều, chất thuốc đó không tốt cho người bình thường, nên phải tạm cách biệt Anh trong thời gian này.
Tuy nghỉ ngơi ở nhà, nhưng mỗi Thứ Ba trong tuần vẫn phải lên Santa Monica, tới văn phòng Bác Sỹ Pinter Brown để Bà thử máu, khám sức khỏe, chích cho một mũi thuốc đặc biệt...Phải mất gần một ngày trời cho những việc ấy, và con tôi phải nghỉ làm để lo cho Bố.
Những tuần lễ trở lại nhà thương, bao giờ cũng bắt đầu là ngày Thứ Hai, và phải có mặt từ rất sớm để nhận phòng, và bắt đầu chạy chemo ngay, nếu bình thuốc này chuẩn bị trễ thì tuần lễ ấy phải nằm lại nhà thương hơn 7 ngày, có thể ngày thứ 8 mới xong hết số thuốc cần thiết và mới có thể ra về.
Phòng ở nhà thương rất rộng rãi tiện nghi, và người nuôi bệnh ở lại đêm cũng được cung cấp giường ngủ riêng và chăn gối đầy đủ rất sạch sẽ, để có thể ở lại đây suốt một tuần lẽ mà vẫn thoải mái.
Tuy nhà thương chu cấp đủ mọi thứ về phương diện y khoa, nhưng gia đình vẫn phải chi tiêu những số tiền phụ thuộc. Quận Los Angeles chật hẹp, không có chỗ đậu xe công cộng. Ai lên tới LA cũng đều biết rằng tất cả bãi đậu xe đều phải trả tiền, riêng khu vực nhà thương, thì bất cứ mỗi cái xe nào vào parking lot là phải trả $15 cho một lần, bất kỳ thời gian đậu là bao lâu. Nếu bạn quên một điều gì ở ngoài mà phải trở ra lấy thì khi vào lại parking lại phải trả $15 khác mà không có bất cứ giấy tờ gì đưa cho bạn, người giữ parking đứng ngay ở cổng để thâu tiền. Nếu những ngày phải đi thử nghiệm ở một building khác, cần lái xe sang đó, thì phải trả tiền $25 cho mỗi lần đậu xe.
Những ngày Bố nằm lại nhà thương, thì các con phải chia ra 2 phiên để túc trực, người buổi sáng trả $15 để đậu xe, thì người buổi tối phải trả $15 khác cho cái xe buổi tối. Như thế là trong những tháng đầu tiên, gia đình tôi phải trả cả ngàn đồng chỉ riêng cho vấn đề đậu xe mà thôi. Và các con phải ăn uống suốt ngày tại cafeteria, giá tiền mỗi phần ăn có đắt hơn ở ngoài một ít. Vì suốt ngày ở đây với Bố, đến tối mịt thì mẹ con mới về đến nhà, không có giờ nào mà đi chợ nấu ăn.
Sau khi đã nằm nhà thương một thời gian rồi, đã quen thuộc, có người đã chỉ vẽ cho là nếu đi xin thêm một thẻ Handicraft ở Nha Lộ Vận DMV cho những người trên 70 tuổi, thì sẽ đậu xe chỉ phải trả $4 cho một lần mà thôi.
Vì thế tôi phải tới văn phòng bác sỹ xin một tờ đơn nộp cho sở DMV, và đã xin được một thẻ Handicraft cho tên tôi. Bởi vì thẻ Handicraft mang tên Bố thì không thể dùng được cho người khác. Vì mỗi khi đậu xe vào chỗ đậu dành riêng cho người Handicraft, mà không có mặt người chủ của cái thẻ trên xe, thì bị phạt rất nặng, có nhiều city bắt phạt tới cả ngàn đô la.
Luật DMV khó như thế, mà có nhiều gia đình có được một thẻ Handicraft, cho một người trong gia đình, là cả nhà đó, người nào đi đâu cũng đem theo thẻ để đậu xe cho gần, mà vì không hiểu luật, nên không sợ phải bị ticket.
2 tháng sau cùng trong thời gian vẫn còn chạy chemo, và vẫn phải theo đúng thời khóa biểu của UCLA, chúng tôi đã về lại nhà riêng của mình ở Garden Grove, và đã xin được một người y tá ở vùng này tới nhà để săn sóc cho chồng tôi. Tôi thì tự lo liệu cho chồng mọi việc trong đời sống hàng ngày, vì tôi đã được học hỏi thông thạo suốt trong thời gian qua.
Chỉ đến ngày hẹn phải vào nằm lại nhà thương, thì con tôi tới đón Bố rất sớm để đi UCLA. Rồi lại chia phiên ra để lúc nào cũng có người chăm sóc cho Bố. Những ngày hạnh phúc nhất vẫn là những ngày Thứ Bẩy được chuẩn bị để rời bệnh viện về nghỉ ngơi ở nhà. Ngày ấy dầu chạy chemo có trễ đến đâu, dù tới 9 – 10 giờ đêm, thì chồng tôi cũng muốn về nhà ngay mà không muốn ở lại tới ngày hôm sau.
Ngày đã xong chương trình chữa trị, lúc rời bệnh viện và chào từ giã tất cả nhân viên nhà thương, các y tá tiễn chân chồng tôi ra xe, chúc mừng khỏi bệnh, và chúc bình an...
Quay lại nhìn cửa nhà thương lần cuối cùng, tôi đã nghĩ thầm: “Mong rằng không bao giờ phải trở lại nơi này!” Rất cám ơn tất cả UCLA đã cứu sống chồng tôi qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Xin cám ơn UCLA!!!
Bình thường thì chúng tôi đã có một gia đình rất hạnh phúc: Bố Mẹ thì thương yêu nhau, tất cả các con đều có một nghề nghiệp thành công trong xã hội và có một gia đình xứng đáng để hãnh diện với mọi người.
Nhưng đến khi có biến thì mới thấy rõ hết sự hiếu thảo của các con, sự hy sinh, phụng dưỡng, hết lòng chăm lo cho Bố những ngày bệnh hoạn phải nằm tịnh dưỡng trong nhà thương thì mới thấy hết đươc sự thông minh sáng suốt, sự quyết định hợp lý và tất cả tình thương yêu của các con dành cho Bố Mẹ, đã biểu lộ cho thấy một gia đình tốt đẹp và thành công....
Sự thành công ấy, gia đình tôi phải tạ ơn Chúa nhiệm mầu, Chúa đã ban ơn phước, sự may mắn vô cùng. Cũng phải nhờ ơn phước đức của Ông Bà còn để lại cho nên mới được như ngày nay.
***
Một buổi sớm mai về nhà...trời chưa sáng tỏ. Tôi mở cửa bước vào nhà, không khí lạnh toát phà vào mặt. Đảo mắt qua mọi nơi, mọi sự vẫn như cũ, không có gì thay đổi! Nhưng không gian thật hoang vắng – lạnh tanh - ...
Đã mấy tháng rồi, tôi không về thăm nhà. Đời trải dài trong nhà thương suốt ngày cho đến tối. Đêm về nhà các con – ngủ mấy tiếng đồng hồ - sáng ngày mai đã lại vội vàng tất bật vào với chồng. Trong bệnh viện mải mê – không nhớ ngày – không đếm tháng – quên hẳn chuyện ngoài đời....chỉ nguyện cầu sao cho Người Yêu, cho Người Tình có đủ tinh thần – đủ sức khỏe để chóng bình phục, sẽ về nhà với gia đình – với các con.
Tôi bước vào từng phòng, mở tung hết các cửa sổ trong nhà. Ánh sáng tràn vào, nhưng sao không đủ xóa tan hết nỗi vắng vẻ trong căn nhà. Ngôi nhà xinh xinh mà mấy tháng trước đây, ấm cúng biết bao nhiêu – thân thương biết bao nhiêu – mà giờ đây sao mà lặng thinh! Sao tĩnh lặng quá. Tĩnh lặng đến ghê người! Không một tiếng động nhẹ - không một làn gió thoảng – không có tiếng lá rơi....hoang sơ, vắng vẻ....
Tôi bước nhẹ ra sân trước nhà, nhìn qua cổng, không có một bóng người...
Tôi trấn tĩnh lại! Tôi cố gắng làm một vài công việc cần phải làm, làm một mình, cô đơn....Đi ra đi vào như chiếc bóng...
Còn đâu những buổi sớm mai, cùng Người Yêu bắc ghế ra sân ngồi nghe chim hót. Còn đâu những bữa cơm chiều đầm ấm yên vui. Còn đâu những tối về khuya, bên tách trà nóng, xem hoa quỳnh nở bên hàng hiên đón gió đêm Hè...
Còn đâu những buổi chiều nồng ấm bên nhau dưới ngọn đèn hồng nhìn nhau miên man hạnh phúc...Còn đâu những tối mưa rơi ngồi bên nhau trong phòng khách nhỏ bấm nhẹ nút dàn máy stereo, cho buông lơi khúc nhạc tình quyến luyến thiết tha...từ một đĩa nhạc thính phòng vừa được trao tặng...giọng hát chất ngất đam mê, gợi nhớ lại cả một thời nào xa xôi dĩ vãng...Còn đâu...Còn đâu....
***
Vào một chiều phai nắng, khi bóng hoàng hôn đã mờ nhạt tận cuối chân trời...
Anh Đã Về!!! Anh đã khỏi bệnh hoàn toàn! Anh về với Em! Về với căn nhà xưa đầy ắp yêu thương nồng ấm! Biết bao kỷ niệm yêu dấu thân quen vẫn chưa phai nhạt. Còn ẩn dấu đâu đây những tối về khuya, kể nhau nghe những ngày chưa quen biết...Nói sao cho hết nỗi mừng vui...niềm xúc động và lòng hân hoan, khi Em cùng với con lên nhà thương đón Anh về...
Đón chồng về...như đem về nhà một luồng gió mới! một nỗi hồi sinh! một tặng phẩm ân huệ trong đời mà tưởng chừng như đã hao mòn – đã vuột khỏi tầm tay, thì nay đã trở lại...đã quay về...như châu về hiệp phố, như trời đã quang, mây đã tạnh, và luồng sinh khí mới đã về với mọi người, về với Em – về với chúng ta...- như một thiên đường hạnh phúc cho gia đình. Những ngày dài còn lại như sống trong mơ – như chiêm bao – như huyền thoại – như đôi cánh thiên thần bay xuống trần gian, đem về cho chúng ta một giấc mơ đã toại nguyện, trùng phùng, và hạnh phúc triền miên.....
Thiên thần vỗ cánh xuống trần gian
Đem cả yêu thương tưới ngập tràn
Cho Phụng với Loan về hợp phố
Hạnh phúc hồi sinh! Chim hót vang!
California, February 23, 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét